Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018: Hướng tới một năm học thiết thực và hiệu quả
Ngày 21/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017,
triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ ra
3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học 2017-2018
Một là, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.
Hai là, chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ba là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.
Kiến nghị lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các địa phương thống nhất cao với những nội dung báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018, trong đó, theo các địa phương, việc tạo sợi dây liên kết, trao đổi thông tin hai chiều chặt chẽ giữa Bộ và các địa phương trong năm học vừa qua đã giúp cho việc triển khai nhiệm vụ năm học đạt hiệu quả tích cực.
Đánh giá cao kết quả kỳ thi THPT quốc gia, các địa phương cho rằng, việc giao cho địa phương chủ trì tổ chức kỳ thi là hợp lý nên kỳ thi đã diễn ra khách quan, khoa học và tiết kiệm. Tuy nhiên, đề kỳ thi năm tới thuận lợi hơn nữa, các địa phương đề nghị Bộ cần có đánh giá, tổng kết kỳ thi năm nay để rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế, cải tiến và sớm có phương án thi năm 2018 để các địa phương có thời gian chuẩn bị.
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn
phát biểu thảo luận tạo Hội nghị
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đã vấn đề được nhiều địa phương quan tâm thảo luận, trong đó các địa phương đều nhất trí với những nội dung đã được đưa ra trong chương trình từ mục tiêu đến thời lượng, nội dung các môn học, bậc học. Tuy nhiên, để có thời gian chuẩn bị các điều kiện thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông các địa phương đề nghị Bộ xem xét trình Chính phủ, Quốc hội xin lùi thời gian thực hiện đến sau năm 2018. Một số địa phương cũng kiến nghị Bộ có sự hỗ trợ để đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương, nhất là những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Các vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên cũng được nhiều địa phương đưa ra với mong muốn Bộ sẽ có những hỗ trợ về việc đào tạo, đào tạo lạo đội ngũ giáo viên để triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời quan tâm hơn nữa tới đời sống, thu nhập của giáo viên để tạo động lực cho họ gắn bó với nghề nghiệp.
Tăng cường phân cấp, phân quyền hơn nữa cho các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ; sớm quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm; tăng cường kiểm định chất lượng đại học; có cơ chế giao nhiệm vụ khoa học gắn với cam kết chất lượng đầu ra để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong trường đại học; kết nối doanh nghiệp với cơ sở giáo dục… là những vấn đề được Hiệu trưởng một số trường đại học trao đổi tại Hội nghị.
Một năm quyết liệt giải quyết những vấn đề tồn đọng của ngành
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua, trong đó, dấu mốc quan trọng là hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; hoàn thành xây dựng chuơng trình tổng thể giáo dục phổ thông làm căn cứ xây dựng chương trình môn học; kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học, cao đẳng tiếp tục đổi mới theo hướng tích cực; tự chủ đại học được đẩy mạnh theo hướng toàn diện; học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trên đấu trường trí tuệ quốc tế.
“Có thể nói, năm học vừa qua, quản lý nhà nước của ngành đã có bước tiến bộ vượt bậc với việc ban hành được nhiều văn bản thiết thực, giảm bớt những hoạt động không cần thiết, hình thức, đặc biệt những bất cập từ những năm trước đang được ngành quyết liệt vào cuộc giải quyết. Năm qua cũng là năm mà mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện đã được toàn xã hội ý thức sâu sắc hơn” - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự quyết liệt
và nỗ lực của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của ngành, đó là: quản lý nhà nước, quản trị đại học, các trường phổ thông, mầm non còn nhiều hạn chế, vẫn còn những văn bản cứng nhắc, mang tính chất đồng loạt mà không tính đến điều kiện triển khai thực tế, vẫn còn nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mang yếu tố thành tích mà chưa vì học sinh; việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông còn chậm, từ hoàn thành dự án đến kiện toàn bộ máy và hơn cả là tinh thần đổi mới đã được bàn nhưng chậm thấm xuống đến các sở, các trường, đến từng giáo viên; chưa chú ý đến toàn diện dạy người; hiện tượng thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương chưa có phương án giải quyết triệt để; giáo dục cho người lớn, giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời chưa được quan tâm đúng mức.
Từ đó, Phó Thủ tướng chỉ ra những vấn đề ngành Giáo dục cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Trước hết, tất cả các bậc học, nhất là bậc học tiểu học cần quan tâm đến dạy người toàn diện, làm sao để dạy cho học sinh những luân thường đạo lý làm người để trở thành những con người nhân văn, có tấm lòng, biết yêu bố mẹ, thầy cô, bạn bè, biết yêu lao động. Để từ đó các em có thể trở thành những công dân toàn cầu.
Bộ cần rà soát để bãi bỏ những quy định cứng nhắc, những chỉ đạo có tính chất cầm tay chỉ việc, các chuẩn, quy chuẩn hình thức áp từ trên xuống. Quan điểm là không bỏ hết phong trào thi đua nhưng phải thiết thực.
Cần tăng cường tự chủ đại học theo đúng nghĩa, tự chủ không chỉ trong mối quan hệ giữa Bộ với trường mà tự chủ đến từng bộ môn, từng giáo viên. Trong đó, mạnh dạn bãi bỏ những quy định cứng nhắc gây khó khăn cho quá trình tự chủ và đi đầu trong việc xóa bỏ cơ quan chủ quản ở ngay chính những trường mà Bộ đang quản lý. Đối với phổ thông, Bộ cần nhanh chóng hoàn thiện nghị định về quản lý mới để phát huy dân chủ trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Trước ý kiến của một số địa phương về việc xin lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành từ lâu, các địa phương đều đã có thời gian chuẩn bị vì thế cần khẩn trương, tích cực hơn nữa.
“Đổi mới là làm một lần để áp dụng cho nhiều năm vì vậy chất lượng là trên hết. Trong quá trình chuẩn bị nếu thấy chưa đảm bảo về chất lượng, Bộ GD&ĐT có thể đề nghị với Chính phủ, Quốc hội để xin lùi thời điểm thực hiện nhưng quan trọng nhất là phải đưa được tinh thần đổi mới vào ngay từ bây giờ. Khi tinh thần đổi mới thấm đến từng giáo viên, họ sẽ có ý thức để tự đổi mới. Một thầy giáo có biết bao thế hệ học trò, vì vậy, nếu thầy giáo tốt sẽ có những thế hệ học sinh tốt và ngược lại” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về thực trạng ngành sư phạm thừa thiếu cục bộ, khó khăn trong tuyển sinh, giảm uy tín với xã hội, Phó Thủ tưởng chỉ ra, đổi mới sư phạm cần từ gốc rễ, giữa Bộ và địa phương cần có sự bắt tay, trao đổi để thực hiện. Dự báo về số lượng giáo viên Bộ phải năm được để điều tiết, Bộ cũng cần ra những văn bản để đảm bảo các điều kiện chất lượng đội ngũ. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT phải bàn với Bộ Nội vụ để thống nhất chỉ đạo về biên chế giáo viên.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, kỳ thi THPT quốc gia đã nhẹ đi rồi nhưng vẫn cần tiếp tục có những đổi mới hơn nữa, tập trung vào khâu ra đề cho tốt hơn. Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành Giáo dục bàn bạc, xem xét lại thời gian nghỉ hè của học sinh hiện nay, mặt nào được, mặt nào chưa được để thống nhất đưa ra mốc thời gian phù hợp.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng lưu ý, ngành Giáo dục cần quan tâm hơn nữa tới giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trong đó chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức xã hội để xây dựng xã hội học tập.
Tin liên quan:
- XÉT TUYỂN GIÁO VIÊN NĂM 2020
- PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦU KÈ TỔ CHỨC TẬP HUẤN ĐẠI TRÀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN DẠY LỚP 1 NĂM HỌC 2020 – 2021
- NGÀNH GIÁO DỤC HUYỆN CẦU KÈ THỰC HIỆN CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC
- Hỏi đáp về đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 22
- HỘI THI VIẾT CHỮ ĐẸP CẤP HUYỆN CẤP TIỂU HỌC NĂM HỌC 2015 – 2016